14:12 19/11/2024 Lượt xem: 74
Tình cờ ngồi làm việc gần với nhóm học sinh bậc THPT tại một cửa hàng tiện lợi trên đường Thống Nhất, TP.Thủ Đức (TP.HCM), người viết không khỏi ngạc nhiên trước vẻ mặt bình thản và dửng dưng của một học sinh khi được hỏi một vấn đề liên quan đến AI: "Đã làm xong đề văn cô giao chưa?". Thay vì một câu trả lời đơn giản, bạn ấy thản nhiên đáp: "Chút nữa, thảy lên ChatGPT cho nó làm!".
Chia sẻ về thói quen sử dụng AI, Nguyễn Viết Khôi Nguyên, sinh viên Trường ĐH khoa học tự nhiên TPHCM, cho biết: "Trong quá trình làm báo cáo và đề cương chương trình, mình thường sử dụng ChatGPT để viết những phần không quá quan trọng như mục đích và yêu cầu… Đặc biệt, khi gặp những môn học khó như vật lý và toán, mình cũng nhờ AI tìm kiếm cách giải".
Cũng có thói quen dùng AI mỗi ngày, Hà Thị Ngọc Hân, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho biết thường xuyên dùng AI để giải quyết những môn học lý thuyết. "Mình xuất phát là… dân khối tự nhiên nên khả năng học thuộc rất kém. Trước khi dùng ChatGPT, mình thường chia bài với bạn để làm, tuy nhiên hiện giờ đã có AI, chỉ cần sao chép câu hỏi và "thảy" lên ChatGPT là đã có kết quả".
Ngọc Hân thừa nhận không nên cổ súy cho hành vi đối phó như vậy. Tuy nhiên, vì khối lượng kiến thức vào những mùa thi là rất nhiều nên mỗi lần cố gắng làm mà không kịp là Hân lại nhanh nản và tìm đến ChatGPT để cầu cứu. "Mình tự cảm nhận từ khi dùng ChatGPT thường xuyên, khả năng ghi nhớ của bản thân vốn đã kém nay còn kém hơn. Mình cũng dần thiếu kiên trì hơn khi phải tư duy giải quyết vấn đề khó. Thay vào đó, mình nhanh chóng có xu hướng tìm đến AI", Hân bộc bạch.
Chia sẻ thêm về thói quen sử dụng AI, Nguyễn Khánh Linh, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM, cho biết: "Mình thường dùng Gemini để tổng hợp, tóm tắt kiến thức và tìm kiếm ý tưởng". Theo Khánh Linh, việc sử dụng Gemini giúp tiết kiệm thời gian rất hiệu quả. Thay vì phải tìm kiếm thông tin trên Google, đọc từng trang web và tự lọc lại kiến thức, Linh chỉ cần nhập câu hỏi vào Gemini và nhận được câu trả lời ngay.
Trái ngược với những người trẻ khác, Ngô Nguyễn Ngọc Châu, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết bản thân không thường xuyên sử dụng AI. Thỉnh thoảng, Châu vẫn vào ChatGPT để dịch những văn bản tiếng Anh. "Mình chỉ dùng AI như một công cụ tham khảo vì thấy văn phong do AI tạo ra không tự nhiên lắm", Châu nói.
".Khi nói về thói quen sử dụng AI của bạn bè xung quanh, Châu cho biết nhiều người trong lớp thường xuyên dùng ChatGPT. "Mỗi khi giảng viên đưa ra câu hỏi thảo luận nhóm, các bạn thường đưa lên ChatGPT để tìm câu trả lời", Châu cười và nói thêm: "Nhiều lúc cô còn phải thắc mắc sao lớp thảo luận mà lại im lặng đến thế
Chia sẻ thêm về vấn đề AI sẽ là trợ thủ hay thách thức cho người trẻ, tiến sĩ Nguyễn Vinh Tiệp, nhà khoa học trong lĩnh vực AI, Trưởng phòng Thí nghiệm truyền thông đa phương tiện, Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho biết việc tích hợp AI vào học tập và công việc dần trở thành xu hướng phát triển hiện nay. Do đó, kỹ năng sử dụng AI không chỉ là một sự lựa chọn mà đã trở thành tiêu chí bắt buộc trong quá trình tuyển dụng, tương tự như phải biết sử dụng công cụ soạn thảo Word, Excel trước đây.
Theo tiến sĩ Nguyễn Vinh Tiệp, AI chỉ nên được xem nư một công cụ để khảo sát thông tin nhanh và là một nguồn tham khảo chứ không phải là nguồn tin chính. Ông Tiệp khuyến khích người dùng cần phải duy trì tư duy phản biện khi tiếp cận thông tin từ AI. "Hãy sử dụng AI để phát triển tư duy, mở rộng góc nhìn và khơi gợi thêm những ý tưởng mới. Tuyệt đối không sử dụng AI để thay thế cho quá trình tư duy của chúng ta", ông Tiệp nói.
Đồng ý với quan điểm này, ông Tạ Công Sơn, chuyên gia nghiên cứu và phát triển AI tại chongluadao.com, nhà sáng lập của Công ty công nghệ OverBloom - một startup công nghệ về AI, đặc biệt lưu ý rằng người trẻ cần phải chủ động trong việc tìm hiểu, đánh giá và lựa chọn thông tin, thay vì chỉ tiếp nhận một cách thụ động. "Đừng chỉ hỏi làm sao để dùng AI hiệu quả, mà hãy đặt câu hỏi làm sao để sử dụng AI một cách có trách nhiệm", ông Sơn nhấn mạnh. (còn tiếp)
Chính thực tế đã đặt ra câu hỏi về ranh giới mong manh giữa việc tận dụng AI và lạm dụng nó. Chia sẻ góc nhìn chuyên môn về vấn đề này ở góc độ tâm lý, tiến sĩ Giang Thiên Vũ, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết những tiện lợi nhanh chóng mà AI mang lại cũng dễ dẫn đến việc lạm dụng và phụ thuộc vào công nghệ. Nguyên nhân thường xuất phát từ tính ỳ tâm lý trong học tập và làm việc của các bạn trẻ. Khi quá dựa dẫm vào một tính năng tiện lợi và tin rằng công nghệ AI "cái gì cũng có - cũng biết", người dùng có thể trải qua sự suy giảm về kỹ năng tư duy và khả năng giải quyết vấn đề một cách độc lập.
Tiến sĩ Giang Thiên Vũ chỉ ra rằng việc tận dụng AI là tối ưu hóa các tính năng của nó, trong khi lạm dụng chính là sự phụ thuộc. Tiến sĩ Vũ nhấn mạnh: "Nếu việc không sử dụng được AI cho công việc hay học tập khiến bạn cảm thấy bứt rứt, khó chịu và buộc phải mở ứng dụng ngay lập tức, thì đó chính là dấu hiệu nhận biết ban đầu về sự lạm dụng".
(Nguồn: thanhnien.vn)